Song, trong quá trình phát triển văn hóa vừa qua cũng như yêu cầu của sự nghiệp phát triển văn hóa thành phố trong thời gian tới với những điều kiện, bối cảnh mới, thành phố đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW lần thứ V (khóa 8) về Xây dựng phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bên cạnh những thành tựu đạt được rất đáng trân trọng, còn tồn tại biết bao điều vừa là thách thức vừa là nguy cơ không thể coi thường. Có thể nói rằng Nghị quyết TW5 về phát triển văn hóa là một Nghị quyết được triển khai khá rầm rộ và rất được nhiều người quan tâm. Nhưng sự nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa như Nghị quyết nêu thì chưa thật sự thấm thấu sâu sắc. Dường như nó vẫn dừng lại ở mức chung chung, trừu tượng, nó chưa ăn nhập vào cuộc sống, nên hầu như tâm lý chung vẫn xem nhẹ văn hóa. Thử điểm lại các nhiệm vụ cụ thể mà Nghị quyết TW5 đã nêu ra, sẽ thấy:
1. Đạo đức vừa gốc là biểu hiện quan trọng nhất của văn hóa, của nhân cách con người. Cho đến nay, chuẩn mực hệ giá trị và đạo đức, lối sống của con người Việt Nam, con người thành phố mang tên nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh dường như chưa được định chuẩn. Trong lúc đó thì “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước… đến mức báo động”. Tình trạng tham nhũng, hối lộ, mua quan bán chức, kể cả trong những cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan quản lý hoạt động ngành nghề được coi là “đạo cao đức trọng” như giáo dục, y tế, khoa học. Bao Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng đưa lại niềm tin và hy vọng của nhân dân nhưng rồi kết quả thực hiện của chính nó đã gây nên bao nỗi niềm, tâm sự, kể cả những thất vọng. Tình trạng trộm cướp, giết người dã man, trắng trợn, bạo lực, giả dối, buôn bán ma túy và buôn bán người… diễn ra thường xuyên, báo hiệu sự suy thoái, xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức gia đình, xã hội trong xã hội được coi là văn minh của nhân loại. Trong lúc chúng ta cổ xúy cho chủ nghĩa duy vật và luôn vỗ ngực tự hào “nhà duy vật” thì văn hóa tâm linh, lòng tin vào cõi âm đã thâm nhập, ăn sâu vào lòng người như là lẽ thường tình, ai ai cũng công khai hay âm thầm chấp nhận. Thử hỏi, nếu so sánh với yêu cầu nhiệm vụ của Nghị quyết TW5 (khóa VIII) về văn hóa thì nên đánh giá thế nào? Chính đó là một thách thức lớn, không thể lẫn tránh!
Bạn đang xem: Phát triển văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay – Những nguy cơ, thách thức
2. Nghị quyết của các Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2000 đến nay đều nhấn mạnh “Xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, nếp sống thị dân… Làm cho văn hóa thấm thấu vào trong từng gia đình, từng con người”…[1]
Theo đó, thành phố đã có nhiều phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động xây dựng “gia đình văn hóa”, xây dựng các thiết chế văn hóa các cấp từ thành phố đến quận huyện, đặc biệt là cơ sở phường, xã; tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa phong phú đa dạng… Tuy vậy, môi trường văn hóa thành phố cũng như cả nước trong những năm gần đây có nhiều yếu tố thiếu lành mạnh; các phong trào mang nặng tính hình thức và không có gì mới tạo ra tâm lý “nhờn” nhàm chán; các tệ nạn xã hội, sự xâm lấn, thậm chí “xâm lăng văn hóa” của các luồng văn hóa ngoại lai khá mạnh. Môi trường học đường, cuộc sống gia đình, “tình làng nghĩa xóm” diễn biến theo chiều xuống cấp. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo hành phụ nữ, trẻ em, giết người cướp của giữa “thanh thiên bạch nhật” “chém trước cướp sau”, giữa trung tâm đô thị phồn hoa trở thành phổ biến như “chuyện hàng ngày ở huyện”. Hoạt động thể dục, thể thao vốn là một thế mạnh của thành phố, từ thể dục phong trào đến thể thao thành tích cao, từ bóng đá, bóng chuyền đến bơi lội, võ thuật, ngày càng thụt lùi khá rõ.
Các thiết chế văn hóa và sự hưởng thụ văn hóa giữa nội thành và ngoại thành, giữa các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, còn quá chênh lệch. Lễ cưới ở Thành phố Hồ Chí Minh được mọi người trong cả nước nhắc đến như là sự chê bai bởi vừa lãng phí, tốn kém cả vật chất và thời gian, cả sự phô trương lộ liễu với những lễ nghi bát nháo, nhố nhăng và ít nhiều mang tính kinh doanh.
Sự quản lý các loại hình hoạt động văn hóa như ca nhạc, vũ trường, karaoke dường như bị buông lỏng, nặng về kinh doanh, không quan tâm đúng mức về khía cạnh văn hóa của nó. Hầu hết chạy theo sự vụ, chưa có kịch bản, kế hoạch căn cơ và cụ thể.
Xem thêm : Những di sản văn hóa vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận
3. Văn học, nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của văn hóa, có chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, giao tiếp, tổ chức và điều chỉnh xã hội…, tác động đến tâm hồn, tình cảm, cảm xúc của con người, góp phần hình thành phẩm chất phát triển nhân cách. Văn học, nghệ thuật là sức mạnh, là vũ khí sắc bén của công tác tư tưởng văn hóa, từ đó tạo nên động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm của đời sống văn học, nghệ thuật, từ sáng tác, lý luận đến quảng bá. Tuy vậy, cũng như cả nước, số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật không ít, song quá ít tác phẩm có giá trị cao, sâu sắc về tư tưởng và nghệ thuật, không có những tác phẩm cứa vào lòng người, mang dấu ấn trong đời sống văn học nghệ thuật của thành phố trong những năm gần đây. Khuynh hướng văn học nghệ thuật giải trí, sính ngoại, bắt chước, khai thác mặt tiêu cực, “cái tôi” nhỏ mọn, hạ thấp chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ, ngày càng phát triển. Nhiều người cầm bút có tiếng tăm lại bỏ công sức khai thác những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống thường ngày, lấy đòi hỏi tầm thường của cá nhân mình làm nguồn cảm hứng cho sáng tạo. Một số văn nghệ sĩ đăng tải những tác phẩm bôi đen hiện thực cuộc sống, thậm chí lật lại vấn đề lịch sử với một góc nhìn phiến diện, chủ quan, ác ý.
Thành phố có đội ngũ làm công tác lý luận phê bình khá đông, có nhiều cơ quan nghiên cứu đào tạo, các Hội chuyên ngành về văn học nghệ thuật, nhưng hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật hết sức trầm lắng, chưa đồng hành với sáng tác, ngần ngại không dám có chính kiến…, nên không làm tốt chức năng điều chỉnh, hướng dẫn, định hướng đối với hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật và hướng dẫn dư luận, định hướng cho công chúng. Hầu như chúng ta chỉ biết được những khen chê tác phẩm này, công trình nọ qua báo chí mà phần lớn ở đó không phải là ý kiến của giới lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Tình trạng nghiệp dư hóa các hoạt động văn học nghệ thuật đang diễn ra trên các lĩnh vực sáng tác, phê bình và quản lý…
4. Giáo dục đào tạo, theo Nghị quyết TW5 (khóa VIII) là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Giáo dục, đào tạo không những mang lại tri thức cho con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài mà còn “dạy làm người” tức đào tạo ra chủ nhân văn hóa. Giáo dục, đào tạo thành phố luôn có sự năng động, sáng tạo trong việc quản lý, phát triển các loại hình trường lớp, xã hội hóa giáo dục. Tuy vậy, cũng như thực trạng giáo dục – đào tạo cả nước, giáo dục – đào tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh còn muôn ngàn khó khăn, hạn chế mà ai ai cũng có thể đánh giá, nhận xét được. Điều ai cũng băn khoăn là tại sao giáo dục – đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu mà chất lượng đào tạo ngày càng sa sút. Hầu như chỉ mới coi trọng cung cấp kiến thức nhưng lại là kiến thức lạc hậu, chưa coi trọng giáo dục nhân cách con người. Việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc đã được cảnh báo bao lần cả trên phương tiện thông tin đại chúng cả nghị quyết, chương trình hành động, nhưng rồi vẫn không được chú ý về nội dung và phương pháp – chưa xây dựng được chuẩn mực văn hóa, hình mẫu văn hóa trong giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ. Chương trình giáo dục ai ai cũng nói là quá tải, vậy mà không ai dám thay đổi, bởi luôn chăm bẳm vào “thi cử”, nên mới có hiện tượng học sinh xé chương trình ôn tập môn lịch sử ngay giữa sân trường làm ngỡ ngàng dư luận trong và ngoài nước. Phương pháp dạy và học thì nặng về nhồi nhét, làm cho con người càng học càng mụ đi. Đội ngũ giáo viên là thuộc lớp người được xã hội coi là đạo cao đức trọng, là “sư hinh”, bây giờ đã xuất hiện“sinh hư” trong đội ngũ thầy cô giáo.
Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có nhiều trường có yếu tố nước ngoài, tạo điều kiện cho sự chọn lọc, tiếp thu những yếu tố tiên tiến của thế giới, song việc quản lý chưa thật nghiêm túc, hạn chế về nhiều mặt trong giáo dục toàn diện theo đường lối giáo dục của nước ta. Đa dạng hóa, xã hội hóa trong giáo dục là điều cần thiết, song đây lại là nơi biểu hiện “thương mại hóa” giáo dục khá rõ nét. Thực tiễn trên đây đã dẫn đến một hệ quả đau lòng, đó là chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta xếp thứ 11/12 nước được khảo sát ở chấu Á và từ đó mất dần sức cạnh tranh, thiếu văn hóa tự tin và kỹ năng tác nghiệp trong hội nhập quốc tế. Và, lòng tin của nhân dân về giáo dục nước nhà ngày càng giảm sút, nỗi lo cho tương lai con em của đất nước ngày càng tăng lên.
5. Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn về văn hóa với hệ thống thiết chế văn hóa khá đầy đủ, đa dạng từ thành phố đến cơ sở. Song so với tiềm năng, thực lực của thành phố thì từ khi có Nghị quyết TW về xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đến nay đã một thập niên rưỡi nhưng hệ thống thiết chế văn hóa thành phố phát triển rất chậm, chưa đồng bộ, chủ yếu vẫn dựa vào vốn cũ có sẵn. Một số thiết chế xuống cấp trầm trọng, nhất là những nhà hát, rạp chiếu phim, có thiết chế hoạt động không hiệu quả, có thiết chế được sử dụng không đúng công năng. Thiết chế văn hóa dành cho những ngành nghệ thuật chuyên nghiệp, nhất là nghệ thuật dân tộc, và cả nghệ thuật hàn lâm chưa được quan tâm đúng mức. Căn bệnh “nói không đi đôi với làm”, vốn là hành vi trái với văn hóa rất chậm được khắc phục, đã gây mất lòng tin nơi dân chúng, chính là biểu hiện sự xuống cấp của văn hóa. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5 khóa VIII “về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định “Những bộ môn nghệ thuật dân tộc cần được bảo tồn như cải lương, hát bội, đờn ca tài tử, múa rối nước gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, thiếu sự quan tâm đầu tư chiến lược, lâu dài; một số công trình triển khai thực hiện quá chậm như Nhà hát giao hưởng – nhạc – vũ kịch đến nay vẫn chưa được xây dựng, Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ chưa triển khai; Rạp Long Phụng (Nhà hát Bội) xuống cấp trầm trọng… Sau gần 40 năm giải phóng, Thành phố chưa xây dựng được một công trình nào đạt chuẩn về biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao, công trình mang tính biểu trưng cho văn hóa thành phố hoặc đáp ứng các sự kém văn hóa nghệ thuật tầm cỡ quốc tế[2].
Thành phố là nơi có hệ thống Bảo tàng đa dạng, phong phú, trong đó có cơ sở cũ và có xây dựng mới, nên có cơ sở không tương thích với chức năng, tiêu chuẩn bảo tàng và thiếu tính hệ thống, kết nối với nhau.
6. Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm báo chí – xuất bản lớn của cả nước; nơi đây ra đời tờ báo Việt ngữ đầu tiên của nước ta vào 1865, và trong những năm Đổi mới báo chí thành phố phát triển nhanh về thể loại và số lượng. Hiện nay thành phố có 40 cơ quan báo chí gồm Đài Truyền hình (19 kênh), Đài Tiếng nói nhân dân thành phố (3 kênh), 17 báo in, 21 tạp chí, 6 báo điện tử và 255 trang tin điện tử tổng hợp; có 1.300 nhà báo được cấp thẻ cùng với lực lượng cộng tác viên đông đảo. Đồng thời có 137 cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương trú đóng hoặc đặt văn phòng đại diện trực tiếp hoạt động. Hầu hết các báo của cả nước đều được phát hành trên địa bàn thành phố.
Xem thêm : Yêu cầu không cấp phép tràn lan các cuộc thi người đẹp, người mẫu
Thành phố có 3 Nhà xuất bản, và 4 Nhà Xuất bản TW quản lý nhưng về Tổ chức Đảng lại trực thuộc Thành ủy, 22 chi nhánh Nhà Xuất bản TW và địa phương, 5 văn phòng đại diện Nhà Xuất bản nước ngoài; 250 cơ sở in ấn, 38 công ty phát hành cấp thành phố, hàng trăm nhà sách, nên thành phố thường được gọi là “chợ sách” của cả nước, là nơi luôn được tổ chức Hội sách toàn quốc. Đó chính là lĩnh vực hoạt động quan trọng của văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Báo chí, xuất bản luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, luôn là vũ khí sắc bén trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; có nhiều đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng và và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy vậy, hoạt động báo chí, xuất bản cũng còn nhiều hạn chế, thiếu sót, gây tác động tiêu cực không nhỏ và trở thành những thách thức trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Và sản phẩm báo chí, xuất bản là sản phẩm văn hóa đặc biệt, trong đó tiêu chí đầu tiên là trung thực, chính xác bởi nó làm chức năng thông tin. Nhưng nhiều trường hợp thông tin về một số vấn đề vốn rất phức tạp, nhạy cảm chính trị lại không được xem xét, cân nhắc chỉn chu, toàn diện mà cố tình thể hiện theo định kiến riêng, thậm chí thông tin sai sự thật, dẫn dắt dư luận theo hướng lệch lạc, gây tác động xấu trong đời sống văn hóa tư tưởng. Báo chí vốn có chức năng thông tin, định hướng, giáo dục, vậy thì những thông tin không trung thực, thiếu chính xác, giật gân, thậm chí theo kiểu “báo lá cải” khá phổ biến gần đây… đã không làm tròn chức năng của báo chí. Bên cạnh đó, nhiều tờ báo chạy theo lợi ích kinh tế là chính, nên xu hướng “thương mại hóa” là khá phổ biến. Gần đây thông tin mạng, từ internet đến blog, facebook… ào ạt ra đời với nội dung hết sức đa dạng, phức tạp, thậm chí phản động, phản văn hóa,, ngôn ngữ xô bồ, lai căng, phản cảm, nhưng dường như chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu nên gây tác động tiêu cực khá lớn đối với sự nghiệp phát triển văn hóa quốc gia, dân tộc.
7. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều cơ sở đào tạo các ngành văn hóa, nghệ thuật, từ Cao đẳng đến Đại học, nhưng xem ra chất lượng đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng đòi hỏi của xã hội, của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa vừa tiên tiến hiện đại vừa dân tộc, đại chúng. Hầu hết là đào tạo theo khả năng và mong muốn của nhà trường mà chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội. Chưa có sự gắn kết và mối quan hệ thường xuyên, chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng. Chưa chú ý đến đặc thù đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, văn nghệ. Do vậy mà nguồn cán bộ quản lý hoạt động văn hóa cũng như lực lượng văn nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa luôn thiếu hụt trong lúc không ít người được đào tạo có bằng cấp vẫn thất nghiệp.
Có thể còn kể ra nhiều những yếu kém, hạn chế trở thành những thách thức đối với sự phát triển văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay để xây dựng nền tảng tinh thần xã hội trong tiến trình xây dựng thành phố ngày càng văn minh hiện đại. Còn nhiều và nhiều lắm. Vậy thì có trái với những gì đã nêu trong các tiểu luận trên đây. Hoàn toàn không! Mỗi sự vật, hiện tượng đều có cả mặt tích cực và tiêu cực. Vả lại, như Bác Hồ đã nói “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất thiết hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nữa nếu lòng dạ không trong sáng nữa”[3], nghĩa là mọi sự vật, hiện tượng đều có thể đổi thay theo các chiều kích khác nhau. Chúng ta đã có nhiều thành tựu trong quá trình xây dựng văn hóa thành phố từ xưa đến nay. Nhưng nếu không biết trân trọng, không tiếp tục bồi dưỡng, hun đúc, phát triển thì cái vốn liếng của chúng ta sẽ bị hao tổn. Vấn đề là ở chỗ đó. Biết nhận ra những thách thức, những hạn chế, yếu kém là để có giải pháp khắc phục, vượt qua và không ngừng phát triển.
[1] Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8 – 2005. Tr.
[2] Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo Tổng kết 15 thực hiện Nghị quyết lần thứ 5 BCH TW khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/7/2013 – tr.17.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, T.12, tr.557-558. NXB Chính trị quốc gia – Hà Nội 1995.
Nguồn: https://vanhoadulich.edu.vn
Danh mục: Văn Hóa